Nơi bãi đất hẻo lánh, xa trung tâm Hà Nội khi xưa, một ngôi trường mang tên Hoa Sữa được dựng nên từ lòng tốt, sự tử tế của con người. Tới nay, Hoa Sữa sắp tròn 30 tuổi.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp, chủ nhà hàng, chủ tiệm bánh, thợ làm bánh có tiếng đi ra từ ngôi trường Hoa Sữa huyền thoại này.
Khi nhắc đến Hoa Sữa, nhiều trẻ em nghèo, mồ côi, dân tộc, khuyết tật, con thương binh liệt sĩ… thầm biết ơn vì nhờ đó họ có một mái nhà, có những bữa ăn và một công việc để kiếm sống.
Bà giáo xin đất dựng trường cho học sinh yếu thế
Năm 1993, nhà giáo ưu tú Phạm Thị Vy nghỉ hưu. Bà tự nhủ sẽ làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng nhưng cụ thể là gì thì chưa nghĩ ra.
Rồi bà Vy ra đường, thấy chỉ với một thúng xôi, một hàng phở, hàng bún vỉa hè, người ta cũng nuôi sống cả nhà một cách đàng hoàng.
Người nghèo làm gì có điều kiện để đi học tử tế. Nếu dạy họ một cái nghề giắt lưng để họ tự nuôi sống mình, chắc là được. Ý tưởng về Hoa Sữa bắt đầu nhen lên âm ỉ trong lòng.
Có người hỏi sao bà lại giúp hai đối tượng trái ngược thế? Một bên là con em của những người có công, một bên… rất bụi đời! "Hai đối tượng có thể có xuất xứ khác nhau nhưng tôi nghĩ chúng đều là những đứa trẻ không may mắn, khó khăn và đều cần được giúp đỡ.
Vì không có điều kiện, giai đoạn đầu, trường "phân thân" đi thuê các chốn: học ở Bạch Mai, cửa hàng bánh thì ở Phan Chu Trinh. Còn ngủ nghỉ là một cái lán ở gần Giáp Bát.
Có tổ chức tài trợ xây nội trú nhưng không có đất. Thế là bà cặm cụi viết đơn xin đất, trong đó nêu rõ Nhà nước cấp đất, Tổ chức Phát triển văn hóa và xã hội Tây Ban Nha cho tiền xây nhà nội trú và Hoa Sữa dạy nghề.
Lúc đó, mô hình Hoa Sữa quá đặc biệt, thậm chí là "quái đản" (theo bà Vy) nên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ TP Hà Nội. Bãi đất đó chính là nơi "đóng quân" của mấy trăm học sinh và thầy cô giáo Hoa Sữa hiện nay.
Hoa Sữa vẫn thơm
Bà Vy nay đã nghỉ hưu nhưng văn hóa lấy con người làm trọng của Hoa Sữa vẫn tiếp tục được xây dựng và phát triển bởi một thế hệ lãnh đạo mới. Từ vài chục học viên năm xưa, sau gần 30 năm có hơn 13.000 học viên đã tốt nghiệp tại ngôi trường này.
Tất cả học sinh dân tộc ít người học đều không phải đóng phí, nhà trường còn giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Bà Lê Thị Kim Phượng, hiệu trưởng hiện tại, kể giờ đây Hoa Sữa mở rộng ra nhiều hệ, có sơ cấp, có trung cấp, khuyết tật - tự kỷ và theo yêu cầu. Cũng có thêm những ngành đào tạo mới. Trung bình hằng năm trường có 300-400 học viên.