Nhân dịp Lễ hội truyền thống được tổ chức tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu Mao Điền, ngày 09/03/2023 Huyện đoàn Cẩm Giàng tổ chức chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ với các hoạt động: tổ chức vệ sinh môi trường, dâng hương, tham gia hỗ trợ ban tổ chức buổi lễ và tổ chức các trò chơi dân gian, hội thi Rung chuông vàng… các hoạt động thu hút đông đảo các bạn Đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa nhưng vào thời nhà Mạc đã bốn lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền nằm tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, cách thành phố Hải Dương 15 km về phía tây. Tại miền Bắc Việt Nam, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Văn miếu Mao Điền được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2017.
Được khởi dựng vào thời Lê Sơ (Thế Kỷ XV). Đây là di tích lịch sử thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ 1075 – 1919), cả nước có 2.898 tiến sĩ thì trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng Nguyên, Hải Dương có 12 người. Đặc biệt là Hải Dương còn có “Lò tiến sỹ xứ Đông” thuộc thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang. Tại đây có 39 vị tiến sỹ Nho học qua các thời kỳ lịch sử.
Ngày nay, Văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử mà còn thờ thêm 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực và thời đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương): Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi (thời Trần, thế kỷ XIII-XIV), Danh nhân văn hoá thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (thời Lê Sơ, thế kỷ XV), Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc, Thế kỷ XVI), Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh (thời Trần, thế kỷ XIII- XIV), Thần toán Vũ Hữu (thời Lê Sơ, thế kỷ XV) và Nghi Ái quan, tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc, thế kỷ XVI).
Hành trình Tìm về địa chỉ đỏ là dịp tạo điều kiện cho các đồng chí cán bộ, các bạn đoàn viên thanh niên có cơ hội hiểu thêm về truyền thống lịch sử từ đó giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.